Doanh nghiệp ưu tiên  

Trở thành doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ cơ quan hải quan trong suốt quá trình xuất  hoặc nhập khẩu hàng hóa và khi doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ thông tin chi tiết về thủ tục hải quan xuất nhập khẩu và điều kiện trở thành doanh nghiệp được ưu tiên trong lĩnh vực hải quan

Doanh nghiệp ưu tiên là gì?

Cần lưu ý rằng luật doanh nghiệp không có định nghĩa về doanh nghiệp được ưu tiên. Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 72/2015/TT-BTC, doanh nghiệp ưu tiên là thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được cơ quan hải quan công nhận là doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu tiên. Cơ quan công nhận doanh nghiệp được ưu tiên hay không  là được quyết định bởi cơ quan Hải quan.

Doanh nghiệp được ưu tiên ở trong lĩnh vực hải quan là doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được hưởng chế độ ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan. Đồng thời trong quá trình  kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu  của doanh nghiệp để được hưởng một số lợi ích đặc biệt.

Lợi thế của doanh nghiệp được ưu tiên trong thời kỳ hội nhập sẽ rất lớn khi Hải quan Việt Nam tham gia Chương trình DN ưu tiên (AEO) do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức. Sau khi Việt Nam ký hiệp định hoặc thoả thuận về chương trình này của các nước sẽ được công nhận lẫn nhau và được hưởng các chế độ ưu đãi riêng của mỗi nước dành cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để được Tổng cục Hải quan công nhận thì doanh nghiệp phải trải qua một chặng đường dài. Doanh nghiệp cần phấn đấu, nỗ lực minh bạch trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện kinh doanh, làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật.  

Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ưu tiên

Điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên là gì? Để được hải quan xem xét và công nhận nằm trong nhóm doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu tiên, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ 6 điều kiện cơ bản như sau:

Doanh nghiệp cần tuân thủ đúng pháp luật về hải quan và thuế

Cơ quan Hải quan là bộ phận có thẩm quyền công nhận doanh nghiệp thuộc dạng ưu tiên hay không. Do đó, điều kiện đầu tiên để  doanh nghiệp được xem xét là phải chấp hành đúng các quy định pháp luật và nộp thuế theo quy định. Đặc biệt:

Trong thời hạn 02 năm liên tục tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị xác nhận thuộc doanh nghiệp ưu tiên. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp không được vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan thuộc  các hành vi sau:

  • Doanh nghiệp có hành vi thực hiện gian lận, trốn thuế. Tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vi phạm pháp luật;
  • Doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan;
  • Doanh nghiệp không nợ thuế quá hạn theo quy định.
Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ưu tiên
Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ưu tiên

Điều kiện về vấn đề kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu 

Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp muốn được nằm trong danh sách các doanh nghiệp được ưu tiên. Doanh nghiệp phải có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt giá trị từ 100 triệu USD/năm trở lên. Hoặc doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên.

Đối với hàng nông, thủy sản sản xuất, nuôi, trồng tại Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 30 triệu USD/năm.

Lưu ý:

  • Doanh thu quy định trên được tính cho 02 năm liên tục, tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị xem xét (trừ doanh thu xuất nhập khẩu ủy thác).
  • Không áp dụng điều kiện kim ngạch xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp công nghệ cao.

Điều kiện làm thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử

Việc sử dụng thủ tục hải quan và thuế điện tử là bắt buộc đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thiết lập chương trình quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo yêu cầu kiểm tra của cơ quan hải quan.

Điều kiện về thanh toán hàng hóa của doanh nghiệp

Một trong những điều kiện đáp ứng Thủ tục công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan, các doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua ngân hàng.

Điều kiện kế toán, kiểm toán

Công tác kế toán, kiểm toán doanh nghiệp phải tuân thủ các chuẩn mực do Bộ Tài chính quy định. Ngoài ra, báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. 

Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính của doanh nghiệp đề cập trong báo cáo kiểm toán bắt buộc phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đúng theo pháp luật.

Điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp thực hiện và duy trì các quy trình quản lý, giám sát, điều hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp;
  • Doanh nghiệp thực hiện trang bị đầy đủ các phương tiện, giải pháp, quy trình kiểm soát nội bộ. Mục đích để doanh nghiệp đảm bảo được an ninh, an toàn trong quá trình triển khai các hoạt động trong hoạt động hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Quyền lợi doanh nghiệp ưu tiên

Doanh nghiệp được ưu tiên trong giải quyết thủ tục hải quan sẽ có các quyền lợi sau:

  • Miễn kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra đột xuất để đánh giá việc tuân thủ pháp luật.
  • Làm thủ tục hải quan với tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Tuy nhiên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, doanh nghiệp phải cập nhật đầy đủ hồ sơ cho cơ quan hải quan.
  • Ưu tiên cơ quan hải quan trong các khâu kiểm tra, giám sát, lấy mẫu hàng hóa.
  • Nhận văn bản trả lời của Chi cục Hải quan về vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan trong thời hạn 08 (tám) giờ làm việc kể từ thời điểm vướng mắc.
  • Được cơ quan hải quan chấp nhận khai báo hàng hóa đáp ứng các quy định chuyên ngành để được thông quan; Đồng thời, doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
  • Nhập khẩu hàng hóa trước khai báo hải quan sau đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mua từ kho ngoại quan.

Một số quyền lợi khác

  • Doanh nghiệp được ưu tiên khi làm thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế; Ví dụ:
  • Doanh nghiệp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa. Thời gian ra quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
  • Nộp báo cáo quyết toán đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp được miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan, ngoại trừ trường hợp phải kiểm tra doanh nghiệp do có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và các quy định liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu. 
  • Doanh nghiệp được cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên xếp dỡ, giao nhận hàng trước. Khi xét thấy đáp ứng các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên để Tổng cục Hải quan xem xét, công nhận.
Điều kiện trở thành doanh nghiệp ưu tiên
Quyền lợi doanh nghiệp ưu tiên

Hồ sơ đề nghị xác nhận doanh nghiệp ưu tiên thuộc lĩnh vực hải quan

Doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và có nhu cầu được áp dụng chế độ ưu tiên gửi hồ sơ bản giấy đến Tổng cục Hải quan để xem xét, công nhận.

Hồ sơ bao gồm

  • Văn bản đề nghị theo mẫu 02a/DNUT ban hành kèm theo Thông tư số 72/2015/TT-BTC: 01 bản chính.
  • Báo cáo tài chính 02 (hai) năm tài chính liên tiếp gần nhất đã được kiểm toán: 01 bản chụp.
  • Báo cáo kiểm toán 02 (hai) năm tài chính liên tiếp gần nhất: 01 bản chụp.
  • Kết luận thanh tra 02 (hai) năm gần nhất (nếu có): 01 bản chụp.
  • Bản mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp mô tả đầy đủ quá trình quản lý, giám sát, kiểm soát thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, kiểm soát an ninh, an toàn của chuỗi cung ứng. Đơn xin nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp: 01 bản chính.
  • Giấy khen, giấy chứng nhận chất lượng (nếu có): 01 bản chụp.

Các dự án đầu tư trọng điểm

Đối với các dự án đầu tư trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, chủ đầu tư lập hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan đề nghị được áp dụng chế độ ưu tiên. .

Hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản đề nghị hưởng chế độ ưu tiên và cam kết triển khai dự án đúng chính xác theo mẫu 02b/DNUT ban hành kèm theo Thông tư số 72/2015/TT-BTC: 01 bản chính.
  • Giấy chứng nhận đầu tư, giải trình kinh tế kỹ thuật của doanh nghiệp: 01 bản chụp.

Thủ tục công nhận trong lĩnh vực hải quan

Thủ tục công nhận chế độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với lĩnh vực hải quan được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, cụ thể quy trình như sau:

  • Bước 1: Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên đến Tổng cục Hải quan.
  • Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Hải quan thẩm định và kết luận công nhận.

Đối với trường hợp phức tạp, doanh nghiệp cần tiến hành xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan. Quá trình thẩm định có thể kéo dài tuy nhiên thời gian thẩm định  không quá 30 ngày;

Trường hợp doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận doanh nghiệp nằm trong trường hợp được  ưu tiên.

Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên có hiệu lực 03 năm kể từ ngày ban hành quyết định. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ  được tự động gia hạn thêm 03 năm nếu vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Thủ tục công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của doanh nghiệp ưu tiên thì việc doanh nghiệp đưa hàng hóa về bảo quản thực hiện như thế nào?

Áp dụng theo Khoản 1 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thì đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành thì doanh nghiệp ưu tiên được đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định.

Chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động xuất nhập khẩu được hưởng vào thời điểm nào?

Căn cứ vào điều 9,10,11,12,13,14 của Quyết định 2659/QĐ-TCHQ, nếu được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chế độ sau khi tiến hành hoạt động xuất, nhập khẩu.

Quy định về thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp ưu tiên được quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có áp dụng cho thuế GTGT, TTĐB hay không?

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 đã có quy định. Cụ thể: “Thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 9 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Như vậy, Doanh nghiệp ưu tiên được phép áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với các loại thuế liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Trên đây là những chia sẻ chi tiết, giải thích về doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan là gì? Điều kiện công nhận doanh nghiệp thuộc dạng ưu tiên và điều kiện để được xét duyệt trở thành doanh nghiệp xuất nhập khẩu ưu tiên. Hy vọng với những thông tin hữu ích này của OZ Freight, doanh nghiệp có thể thành công trở thành doanh nghiệp được ưu tiên.

5/5 - (1 bình chọn)