Quy định, tiêu chí xuất xứ của C/O form E mới nhất 2023

Nhập khẩu hàng Trung Quốc được ưu đãi thuế rất nhiều khi có C/O form E. Tuy nhiên, vấn đề thường gặp nhất khi nhập khẩu hàng Trung Quốc là bị bác C/O, không được hưởng thuế ưu đãi. Vậy quy địnhtiêu chí xuất xứ của C/O form E như thế nào?

Trước khi đi vào câu hỏi chính, hãy cùng thutucxuatnhapkhau.com khái quát qua một chút về C/O form E nhé!

CO form E là gì?

CO form E là Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E, phát hành theo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), xác nhận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước thành viên của hiệp định này.

Hàng nhập khẩu về Việt Nam mà dùng CO form E thường là có nguồn gốc Trung Quốc.

Mục đích của CO form E hợp lệ là để xác nhận xuất xứ của hàng hóa, từ đó mà xem lô hàng có được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hay không (thường được giảm thuế). Cụ thể mức thuế nhập khẩu sẽ theo từng loại hàng cụ thể, căn cứ vào mã HS Code.

Quy định đối với C/O form E

Theo thông tư 12/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định C/O form E như sau

–  C/O form E được làm trên giấy trắng, khổ A4 theo tiêu chuẩn ISO, phù hợp với mẫu quy định. C/O form E gồm 1 bản gốc (Original) và 2 bản sao (Duplicate và Triplicate). C/O form E phải được kê khai bằng tiếng Anh.

– Trường hợp C/O form E có nhiều trang, các trang tiếp theo phải có cùng chữ ký, con dấu, số tham chiếu như trang đầu tiên.

– Mỗi C/O form E có một số tham chiếu riêng. Được cấp cho một lô hàng và có thể bao gồm một hay nhiều mặt hàng.

Bản gốc C/O form E được nhà xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu để nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hoặc nơi nhập khẩu. Bản sao Duplicate do cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu lưu. Bản sao Triplicate do nhà xuất khẩu lưu.

– Trường hợp từ chối C/O form E, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu đánh dấu vào mục tương ứng tại Ô số 4 trên C/O form E.

– Trường hợp C/O form E bị từ chối như nêu tại khoản 5 Điều này, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận và xem xét các giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O để xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan. Các giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O phải chi tiết và lý giải được những vấn đề mà nước thành viên nhập khẩu đưa ra.

Tiêu chí xuất xứ C/O form E

Căn cứ mục 9 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 12/2019/TT-BCT của Bộ Công thương quy định:

Hàng hóa được sản xuất tại nước có tên đầu tiên ở Ô số 11 của C/O Điền vào Ô số 8
a) Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này WO
b) Hàng hóa được sản xuất tại một Nước thành viên chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều Nước thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này PE
c) Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ tại một Nước thành viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này
– Hàm lượng giá trị khu vực (RVC) Ghi tỉ lệ phần trăm thực tế hàm lượng giá trị khu vực ACFTA, ví dụ “RVC 60%”
– Chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số CTH
d) Hàng hóa đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này PSR

Giải thích tiêu chí xuất xứ C/O form E

Quy định, tiêu chí xuất xứ c/o form e

Tiêu chí xuất xứ C/O Form E

Tiêu chí xuất xứ WO

 Wholly Owned(WO) : Nghĩa là toàn bộ sản phẩm được làm tại Trung Quốc từ nguyên liệu cho đến quá trình sản xuất

Một số sản phẩm được liệt kê vào xuất xứ WO:

Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng, thu hoạch hoặc thu lượm tại Trung Quốc

+ Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Trung Quốc 

+ Sản phẩm thu được từ động vật sống tại Trung Quốc mà chưa qua chế biến, bao gồm sữa, trứng, lông, tinh dịch,…

+ Sản phẩm thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thu lượm hoặc săn bắt tại Trung Quốc

+ Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển tại Trung Quốc

+ Sản phẩm đánh bắt từ vùng biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải của Trung Quốc. Với điều kiện Nước thành viên đó có quyền khai thác vùng biển, đáy biển và dưới đáy biển theo luật quốc tế đã được công nhận rộng rãi, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

+ Hải sản và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển quốc tế bằng tàu được đăng ký tại Trung Quốc hoặc treo cờ của Trung Quốc

+ Sản phẩm chế biến hoặc sản xuất ngay trên tàu chế biến được đăng ký hoặc được treo cờ của Trung Quốc 

+ Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng tại Trung Quốc chỉ phù hợp để tái chế nguyên liệu thô.

+ Hàng hóa đã qua sử dụng và được thu nhặt tại Trung Quốc chỉ phù hợp để tái chế nguyên liệu thô.

+ Hàng hóa thu được hoặc được sản xuất tại Trung Quốc

Tiêu chí xuất xứ PE 

Produced Entirely: Nghĩa là sản phẩm có thể được gia công ở quốc gia khác nhưng nguyên liệu phải là của Trung Quốc 100%

Tiêu chí xuất xứ RVC

Regional Value Content – Hàm lượng giá trị khu vực FTA: Nghĩa là hàng có giá trị hơn 40% của Trung Quốc thì C/O form E được chấp nhận

+ RVC được tính theo công thức sau:

RVC = (FOB-VNM)*100%/FOB

Trong đó:

RVC là hàm lượng giá trị khu vực được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm.

VNM là trị giá nguyên liệu không có xuất xứ.

+ VNM được xác định như sau:

a) Trường hợp nguyên liệu nhập khẩu không có xuất xứ, VNM là trị giá CIF của nguyên liệu tại thời điểm nhập khẩu;

b) Trường hợp nguyên liệu không có xuất xứ thu được từ Trung Quốc, VNM là giá mua đầu tiên có thể xác định được đối với nguyên liệu đó. Trị giá này không bao gồm cước vận tải, bảo hiểm, chi phí đóng gói và bất kỳ chi phí nào khác phát sinh trong quá trình vận chuyển nguyên liệu từ kho của nhà cung cấp đến địa điểm của nhà sản xuất.

+ Trường hợp hàng hóa có xuất xứ tại một Nước thành viên theo quy định tại khoản 1 Điều này tiếp tục được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra một hàng hóa khác tại Nước thành viên đó, không cần xét đến phần trị giá không có xuất xứ của nguyên liệu đó khi xác định xuất xứ hàng hóa.

+ Trị giá này được tính theo Hiệp định Trị giá Hải quan.

Tiêu chí CTC, CTH:

+ CTC: Chuyển đổi mã số HS của hàng hóa (Change in Tariff Classification) là sự thay đổi về mã HS của hàng hóa (ở cấp 2 số, 4 số hoặc 6 số) so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ (bao gồm nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó.

+ CTH: Có nghĩa là tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm phải trải qua sự chuyển đổi mã số HS ở cấp độ Nhóm (4 số). Là sự chuyển đổi bất kỳ từ 1 nhóm đến 1 nhóm khác của biểu thuế

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết, hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy định, tiêu chí xuất xứ C/O form E. Nếu có thắc mắc vui lòng liên hệ hotline: 0972433318 để được tư vấn chi tiết hoặc để lại comment.

Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại quốc tế OZ Việt Nam

Địa chỉ: Số 8/162 Nguyễn Văn Cừ, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội

Điện thoại: 0972433318

Email: xnkngantin@gmail.com

Xem thêm:

CO Form E 3 bên-Những lưu ý quan trọng về CO Form E

CO form E ; Những lưu ý đối với hàng nhập khẩu

Hướng dẫn kiểm tra C/O form E và một số C/O form khác

Hiệp định ACFTA là gì? Quy trình xin CO form E hàng xuất khẩu

 

Đánh giá post