Vận đơn theo lệnh là gì?
Vận đơn theo lệnh là vận đơn được lập theo lệnh của người gửi hàng (to the order of shipper) hoặc theo lệnh của người nhận hàng (to the order of consignee) hoặc theo lệnh của một ngân hàng (to the order of a bank), và do vậy có thể được ký hậu chuyển nhượng cho một bên khác.
Ngoài ra, vận đơn có thể được lập theo lệnh ký hậu để trống (to order blank endorsed), cho phép bất kỳ người nào nắm giữ vận đơn, người đó có quyền sở hữu đối với hàng hoá ghi trong vận đơn.
Thực tế thỉnh thoảng trong LC hạn chế (restricted LC) hoặc LC xác nhận (confirmed LC), chúng ta bắt gặp yêu cầu vận đơn được lập theo lệnh của một ngân hàng (thường là ngân hàng chiết khấu được chỉ định hoặc ngân hàng xác nhận) ký hậu cho ngân hàng phát hành LC.
To Order Bill Of Lading giúp cho việc chuyển đổi quyền sở hữu, chuyển nhượng lô hàng bằng cách ra lệnh thông qua ký hậu vận đơn. Vì vận đơn chuyển nhượng được cho nên vận đơn theo lệnh phải là vận đơn gốc, có thể là vận đơn đích danh hoặc vô danh phụ thuộc vào cách ký hậu.
Các loại vận đơn theo lệnh
Vận đơn theo lệnh của người nhận hàng ( To order of consignee)
Hàng sẽ được giao theo lệnh của người nhận hàng;
Mục Consignee:
(Ghi rõ tên, địa chỉ và số điện thoại/fax của consignee)
Ví dụ:
Công ty X (Việt Nam) xuất khẩu hàng sang Trung Quốc cho công ty Y. Nhưng công ty Y lại bán sang tay cho 1 công ty Z ở Trung Quốc. Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện thì khi hàng đến, Z chuyển tiền cho Y. Y lấy D/O và ra cảng làm thủ tục nhập khẩu và nhận hàng. Nghiệp vụ này được thực hiện đơn giản bằng cách Y (consignee) ký hậu vận đơn cho Z nhận hàng. Vì vận đơn có tính chuyển nhượng nên lúc này giống như Y bán vận đơn cho Z thì Z sẽ hiển nhiên trở thành chủ sở hữu của hàng. Bộ chứng từ không cần thay đổi gì, C hoàn toàn hợp lệ để lấy hàng.
Cách ký hậu:
Một là, Y đóng dấu ký tên vào mặt sau và ghi dòng chữ “Deliver to Z” thì chỉ có Z mới lên hãng tàu nhận D/O lấy hàng được. Sau khi ký hậu như vậy thì vận đơn này trở thành vận đơn đích danh và không thể chuyển nhượng bằng cách ký hậu tiếp nữa. Kiểu này gọi là Ký hậu Đích danh.
Hai là, Y ghi vào mặt sau chữ “Deliver to order of Z – Giao hàng theo lệnh của Z” thì Z có thể lại tiếp tục được chuyển nhượng vận đơn cho người tiếp theo bằng cách ký hậu thêm một lần nữa ở phía mặt sau của vận đơn. C không chuyển nhượng tiếp thì C cứ cầm vận đơn này đi lấy hàng. Kiểu này gọi là ký hậu Theo lệnh.
Ba là, Y chỉ đóng dấu ký tên vào mặt sau và không ghi gì cả. Kiểu ký hậu này gọi là Ký hậu vô danh. Lúc này, Z hay bất cứ người nào cầm được vận đơn đã ký hậu này đề có thể lấy được hàng và sở hữu lô hàng. Cho nên, kiểu ký hậu để trống này cũng rất nguy hiểm, trong trường hợp thất lạc chứng từ, thất lạc vận đơn. Và đây chính là vận đơn vô danh như đã trình bày ở phần trước.
Vận đơn theo lệnh của người gửi hàng
Hàng sẽ được giao theo lệnh của người gửi hàng
Mục Consignee: ghi “To order of shipper” hay chỉ ghi “To order”
Sau khi nhận được B/L gốc từ hãng tàu, shipper/người XK thực hiện việc ký hậu vào mặt sau của vận đơn, rồi gửi cho consignee/người NK nhận hàng. Nếu không có ký hậu của shipper, consignee không thể lấy được hàng.
Trường hợp áp dụng:
Loại B/L này thường được sử dụng trong trường hợp thanh toán bằng T/T, khi đó ngân hàng hai bên sẽ không giúp khống chế bộ chứng từ. Bộ chứng từ (trong đó quan trọng nhất là vận đơn) sẽ được người XK gửi trực tiếp cho người NK. Giả sử người NK cam kết thanh toán sau khi tàu chạy/hoặc trước khi hàng đến/hoặc ngay khi hàng đến, thì người XK chỉ thả hàng ra khi đã nhận được tiền thanh toán của người NK. Một lý do khác khiến người XK thích và nên dùng vận đơn To order of shipper là vì phòng trường hợp xấu nhất, người NK không thanh toán tiền hàng/không muốn nhận hàng, người XK có thể bán lại lô hàng (bán trên chứng từ) cho một người khác mà không gặp rắc rối về vận đơn (vì lúc này vận đơn ghi giao hàng theo lệnh của người XK).
Cách ký hậu:
Một là, shipper X đóng dấu ký tên vào mặt sau và ghi dòng chữ “Deliver to B” = “Giao cho B” thì chỉ có consignee B mới lên hãng tàu nhận D/O lấy hàng được. Sau khi ký hậu như vậy thì vận đơn này trở thành vận đơn đích danh và B là người hưởng lợi cuối cùng, B không thể chuyển nhượng bằng cách ký hậu tiếp nữa. Kiểu này gọi là Ký hậu Đích danh.
Hai là, A đóng dấu ký tên vào mặt sau và ghi dòng chữ “Deliver to order of B – Giao hàng theo lệnh của B” thì B có thể lại tiếp tục được chuyển nhượng vận đơn cho người tiếp theo bằng cách ký hậu thêm một lần nữa ở phía mặt sau của vận đơn. Kiểu này gọi là ký hậu Theo lệnh.
Ba là, A chỉ đóng dấu ký tên vào mặt sau và không ghi gì cả. Kiểu ký hậu này gọi là Ký hậu vô danh. Kiểu vận đơn này rất nguy hiểm trong trường hợp thất lạc chứng từ. Vì lúc này, ai cầm giữ được vận đơn đã ký hậu kiểu này sẽ là người lấy được hàng/sở hữu hàng.
Vận đơn theo lệnh của Ngân hàng mở L/C ( To order of a issuing bank)
Mục Consignee: ghi “To order of tên Ngân hàng mở”
Trường hợp áp dụng:
Loại B/L này dùng trong trường hợp thanh toán bằng L/C. Về bản chất, khi thanh toán bằng L/C, người sở hữu lô hàng thực sự cho đến khi người NK lấy được bộ chứng từ chính là ngân hàng Mở. Nếu người NK muốn lấy chứng từ từ ngân hàng này để lấy hàng thì họ phải thanh toán đủ tiền hàng cho Ngân hàng (trong trường hợp người NK chưa ký quỹ đủ 100%). Sau đó ngân hàng sẽ ký hậu lên mặt sau của vận đơn thì người NK mới lên hãng tàu nhận D/O lấy hàng được. Xét về lợi ích như vậy, ngân hàng Mở thường chủ động mở L/C yêu cầu vận đơn theo lệnh của mình.
Đối với người XK, họ cũng thường đề nghị dùng B/L theo lệnh ngân hàng Mở, và khước từ dùng vận đơn đích danh người NK/theo lệnh người NK/hay là theo lệnh người NK có ký hậu để trống. Vì tất cả các loại vận đơn này, người NK đều có thể lấy hàng nếu có có trong tay vận đơn, trong khi người trả tiền cho người XK lại chính là ngân hàng Mở.
Cách ký hậu:
Một là, Ngân hàng Mở đóng dấu ký tên vào mặt sau và ghi dòng chữ “Deliver to Y” thì chỉ có Y (người NK) mới lên hãng tàu nhận D/O lấy hàng được. Sau khi ký hậu như vậy thì vận đơn này trở thành vận đơn đích danh.
Hoặc, giả sử vì người NK không đủ tiền trả cho ngân hàng để lấy bộ chứng từ (hoặc người NK từ chối nhận hàng), ngân hàng Mở sẽ ghi “Deliver to myself”. Lúc này, ngân hàng sẽ là người đi lấy hàng và sở hữu lô hàng. Kiểu ký hậu này gọi là cũng là ký hậu đích danh.
Hai là, ngân hàng mở đóng dấu ký tên vào mặt sau, và ghi dòng chữ “Deliver to order of Y – Giao hàng theo lệnh của Y” thì Y (người NK) có thể lại tiếp tục được chuyển nhượng vận đơn cho người tiếp theo bằng cách ký hậu thêm một lần nữa ở phía mặt sau của vận đơn.Kiểu này gọi là ký hậu Theo lệnh.
Ba là, ngân hàng Mở chỉ đóng dấu ký tên vào mặt sau và không ghi gì cả. Kiểu ký hậu này gọi là Ký hậu vô danh. Lúc này, Y hay bất cứ người nào cầm được vận đơn đã ký hậu này đề có thể lấy được hàng và sở hữu lô hàng.
Trên đây là bài viết về Vận đơn theo lệnh, tùy từng trường hợp các bạn sẽ chọn vận đơn phù hợp cho mình để tránh những phát sinh không đáng có xảy ra. Nếu các bạn có thắc mắc hãy comment dưới bài viết hoặc liên hệ tới hotline: 0972433318 để Oz Việt Nam tư vấn chi tiết cho các bạn.